CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
|
Số: 01/GĐ-TANDTC
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2016
|
GIẢI ĐÁP
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ, DÂN SỰ,
TỐ TỤNG DÂN SỰ
Kính gửi:
|
- Các
Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao. |
Ngày 12,
13 và 14-5-2016, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn
cho các Thẩm phán, công chức Tòa án về Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự,
Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính được Quốc hội
khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua. Hội nghị đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản và những điểm
mới của các bộ luật, luật; trao đổi, giải đáp một số vướng mắc liên quan đến
các quy định của các bộ luật, luật. Tòa án nhân dân tối cao đã bước đầu tổng hợp kết quả giải đáp một số vướng mắc tại
Hội nghị tập huấn liên quan đến các quy định mới của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố
tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự (dưới đây viết tắt lần lượt
là BLHS, BLTTHS, BLDS, BLTTDS), cụ thể như sau:
I. Giải
đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLHS
1. Việc tổng hợp
hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ
nhất người bị kết án là người chưa thành niên, nhưng khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết
án là người đã thành niên được thực hiện như thế nào?
Việc tổng
hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần
thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần
thứ hai thì người bị kết án
là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015
(Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi.
2. Việc giải quyết các vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu hiện nay được thực hiện như
thế nào?
Theo quy
định của Luật thương mại năm 2005 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn
thi hành Luật thương mại năm 2005 thì pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu là hàng
cấm, còn theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 thì “các loại pháo” và “các sản
phẩm thuốc lá” thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do có
sự không thống nhất của các quy định nêu trên nên trong thời gian vừa qua các
Tòa án gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá
điếu nhập lậu.
Để
tháo gỡ vướng mắc này, căn cứ vào
quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Tòa án nhân dân tối cao đã gửi hồ sơ đề nghị Ủy
ban thường vụ Quốc hội giải thích quy định của các văn bản nêu trên, làm
cơ sở để giải quyết các vụ án. Trong khi chưa có giải thích của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc giải quyết các
vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục được thực hiện
theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26-01-2016 của Tòa án nhân dân
tối cao. Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao là các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng
hình phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và
tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này.
3. Việc xử lý các hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là
tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội
phạm do có bổ sung,
thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó (ví dụ hành vi đánh bạc dưới 05 triệu
đồng; hành vi tàng trữ trái phép dưới 0,1 gam hêrôin) được thực hiện như thế
nào?
Nội dung
này đã được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày
29-6-2016 của Quốc hội (trong đó có nội dung thực hiện các quy định có lợi cho
người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 của BLHS năm 2015 kể từ ngày 01-7-2016) và được
hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao.
4. Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền
thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không?
Theo quy
định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết
số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường
hợp “với quy mô lớn” nếu:
“a) Tổ
chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ
mười người đánh bạc trở
lên...;
Theo quy
định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì:
“1.
Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp
sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ
chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người
đánh bạc trở lên trong
cùng một lúc...;
Như vậy,
cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm
1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số
tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm
hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.
5. Quy định “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác
hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng... đến thời hạn
trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tại điểm
a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
được hiểu và áp dụng như thế nào?
Điểm a
khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong những hành
vi sau đây chiếm đoạt
tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng... thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03
năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người
khác bằng các hình thức hợp đồng... đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có
điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;...”
So với
BLHS năm 1999 thì đây là trường hợp điều
luật bổ sung theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, theo quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội
về việc thi hành BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13
ngày 29-6-2016 của Quốc hội thì quy định này không áp dụng đối với những hành
vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS
năm 2015 có hiệu lực.
Sau khi
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành nếu
quy định nêu trên được giữ nguyên, việc xác định thế nào là hành vi vay, mượn,
thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình
thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng
nhưng cố tình không trả sẽ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
hướng dẫn chi tiết bằng Nghị quyết.
II. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLTTHS
1. Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 Luật tổ
chức Tòa án nhân dân
năm 2014 thì: “khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra
bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra,
xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của BLTTHS”. Vậy, trong vụ
án hình sự, Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung
chứng cứ trong những trường hợp nào?
Việc Tòa
án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ được quy định cụ thể tại Điều 252
BLTTHS năm 2015. Theo đó, để xác định sự thật khách quan của vụ án, Tòa án thực
hiện một trong các hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ quy định tại
Điều này; trong đó có quy định trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm
sát không bổ sung được, nếu Tòa án xét thấy cần thiết thì có thể tiến hành xác
minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, để bảo đảm áp
dụng thống nhất trong thực tiễn, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ
có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới đây.
2. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc xác định người
đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế
nào?
Theo quy
định tại khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2015 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp
luật đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi). Do đó, Tòa án có thể xác định
cha hoặc mẹ của người chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc xác định người đại diện
tham gia tố tụng cho người chưa đủ 18 tuổi phải bảo đảm nguyên tắc “bảo đảm
lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi’’ quy định tại khoản 1 Điều 414 BLTTHS năm
2015. Do vậy, trường hợp có căn cứ cho rằng việc xác định cha, mẹ của người
chưa đủ 18 tuổi là người đại diện tham gia tố tụng không bảo đảm quyền, lợi ích
hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi thì
Tòa án có thể xác định người thân thích khác của người chưa đủ 18 tuổi (như
anh, chị ruột) có đủ điều kiện làm người giám hộ tham gia tố tụng với tư cách
người đại diện hợp pháp của người chưa đủ 18 tuổi. Việc xác định người đại diện
tham gia tố tụng trong trường hợp này phải căn cứ vào quy định tại các điều 48,
49 và 136 BLDS năm 2015.
3. Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện trưởng
Viện kiểm sát có được kháng nghị đối với Quyết định của Tòa án về việc trả hồ
sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền
truy tố không?
Khoản 1
Điều 274 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử quy định:
“1.
Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong
thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố
phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền
truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương hoặc
ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi
xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm
quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến
Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu
Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp
thẩm quyền xét xử thực
hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có
thẩm quyền”.
Theo quy
định nêu trên thì khi xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình,
Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát
có thẩm quyền truy tố. Nếu Viện
kiểm sát thấy việc chuyển vụ án chưa đúng thẩm quyền thì chuyển lại hồ sơ vụ án
đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp xét thấy vụ án vẫn không
thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét
xử được thực hiện theo Điều 275 BLTTHS năm 2015. Trong trường hợp này, Viện kiểm
sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền mà không được
kháng nghị đối với quyết định của Tòa án về việc trả hồ sơ vụ án cho Viện
kiểm sát đã truy tố để chuyển
đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
4. Trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công
an tỉnh thể hiện: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn
Văn A gửi đến giám định có trọng lượng 0,122 gam là Hêrôin”. Vậy Tòa án có cần phải trưng cầu
giám định hàm lượng nữa không hay đưa vụ án ra xét xử?
Trong
các vụ án tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, nếu Kết
luận giám định đã khẳng định: “03 gói nhỏ bên trong có chất bột màu trắng thu giữ của Nguyễn Văn A gửi đến giám định
có trọng lượng 0,122
gam là Hêrôin” thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử, mà không phải giám định hàm lượng nữa. Việc
giám định hàm lượng chỉ đặt ra nếu Kết luận giám định thể hiện chất thu giữ là chế phẩm hoặc có
chứa thành phần Hêrôin, bởi giám định hàm lượng trong trường hợp này
cũng chỉ nhằm xác định đúng trọng lượng (khối lượng) chất ma túy, làm căn cứ
truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo đúng quy định của
BLHS, bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền
công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật…”.
III. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLDS
1. Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu
để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời
điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế
trước ngày 01-01-2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay
không?
Điểm d
khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định: đối với giao dịch dân sự được xác lập
trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định
của Bộ luật này”. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành,
Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với
trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy
định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này để
kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ
việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực
2. Trường hợp nhiều người thừa kế đang cùng quản lý
di sản hoặc mỗi người
thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau mà có tranh chấp về quyền sở hữu đối với di
sản hết thời hiệu
yêu cầu chia di sản thừa kế thì Tòa án có được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều
623 BLDS năm 2015 để xác định di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản
hay không?
Khoản 1
Điều 623 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...”. Người thừa kế đang quản lý di sản phải được
hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của
BLDS. Nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản
thuộc sở hữu chung của họ. Nếu mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn
khác nhau thì Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để
công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản; quyền và nghĩa vụ
của người quản lý di sản trước đó được xem xét, đánh giá trong từng vụ việc cụ
thể theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về lãi suất tại Điều 468 BLDS năm 2015 có
áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01-01-2017 hay
không?
Điểm a,
b, c khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Đối
với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được
quy định như sau:
a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy
định của Bộ luật này
thì chủ thể giao dịch
tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi
tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11,
trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao
dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng
quy định của Bộ luật
dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số
33/2005/QH11;
b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội
dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
b) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy
định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết”.
Như vậy,
hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01-01-2017 chưa được thực hiện hoặc
đang được thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất khác với quy định của BLDS năm
2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật
quy định chi tiết BLDS năm 2005, trừ trường hợp
hợp đồng chưa được thực hiện
mà các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi suất phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định
của BLDS năm 2015;
Hợp đồng
vay tài sản được xác lập trước ngày 01-01-2017 chưa được thực hiện hoặc đang được
thực hiện mà có thỏa thuận về lãi suất phù hợp
với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng BLDS năm 2015;
Hợp đồng vay tài sản được xác lập trước ngày 01-01-2017 được thực hiện xong
trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm
pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005 để giải quyết.
IV. Giải đáp vướng mắc liên quan đến các quy định của BLTTDS
1. Khoản 5 Điều 75 BLTTDS năm 2015 quy định: “Sau khi
kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này thì
trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào
sổ đăng ký
người bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Vậy trường hợp này Chánh án hay Thẩm phán được phân công sẽ thực hiện việc
đăng ký người bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự?
Điểm k
khoản 1 Điều 47 BLTTDS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa
án: “Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
Khoản 14 Điều 48 BLTTDS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán: “Tiến
hành hoạt động tố tụng khác khi giải
quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Điểm b khoản 2 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định: trong giai đoạn chuẩn bị
xét xử, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn “Xác định tư cách đương sự,
người tham gia tố tụng khác”. Như vậy, trường hợp sau khi nhận được đơn khởi kiện mà
chưa phân công Thẩm phán thì Chánh án thực hiện việc đăng ký người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự; trường hợp
đã phân công Thẩm phán giải quyết thì Thẩm phán được phân công thực hiện việc
đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Trường hợp người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần
thứ hai theo quy định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 nhưng có tin báo là
người kháng cáo bị tai nạn giao thông hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con của người
kháng cáo chết thì Tòa án có chấp nhận hoãn phiên tòa không?
Theo quy
định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải hoãn phiên tòa khi
người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Khi
nhận được thông tin người kháng cáo bị tai nạn giao thông hoặc vợ, chồng cha, mẹ,
con của người kháng cáo chết thì Hội đồng xét xử cần phải đánh giá mức độ tin cậy
của nguồn tin, xác định người cung cấp thông tin. Hội đồng xét xử xem xét, quyết
định việc hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng người kháng cáo có
hành vi lừa dối nhằm cản trở hoạt động tố tụng.
3. Trường hợp Thẩm phán đã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng
được xem xét, thẩm
định tại chỗ hỗ trợ do đương sự có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại
chỗ nhưng Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an
xã, phường, thị
trấn không hỗ trợ thì giải quyết như thế nào?
Khoản 4
Điều 101 BLTTDS năm 2015 đã quy định về vai trò, trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hỗ trợ Tòa án khi có hành vi cản trở việc xem
xét, thẩm định tại chỗ.
Trong
trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã, phường, thị
trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ không thực hiện việc hỗ
trợ theo yêu cầu của Thẩm phán thì Tòa án trao đổi với Ủy ban nhân dân cấp trên, cơ quan Công an cấp
trên để có sự chỉ đạo đối với Ủy ban nhân
dân cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn trong việc hỗ trợ xem xét, thẩm định tại
chỗ.
Hành vi
cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá,
giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác sẽ bị xử lý theo quy định tại
khoản 6 Điều 489 BLTTDS năm 2015.
4. Khoản 1 Điều 196 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với
vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở
Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án”. Vậy như thế nào là “vụ án do người
tiêu dùng khởi kiện”?
Khoản 1
Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu
dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt
của cá nhân, gia đình, tổ chức”.
Khoản 2
Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức,
cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình
đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường
nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại; b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”.
Như vậy,
vụ án do người tiêu dùng khởi kiện là vụ án mà người mua, sử dụng hàng hóa, dịch
vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình khởi kiện tổ chức,
cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng và pháp luật có liên quan.
Theo quy
định tại khoản 1 Điều 41 và khoản 3 Điều 44 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng năm 2010, khoản 1 Điều 196 BLTTDS năm 2015 thì khi thụ lý vụ án dân sự về
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức
xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tòa án phải niêm yết công
khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày
làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định của BLTTDS.
5. Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định kèm theo
đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của
người khởi kiện bị xâm phạm. Vậy trường hợp khi nộp đơn khởi kiện, người khởi
kiện không nộp kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh quyền và lợi
ích hợp pháp bị xâm phạm thì Tòa án có thụ lý vụ án hay không?
Khoản 5
Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định: “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu,
chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Trường hợp vì lý do khách quan mà người
khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng
cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong
quá trình giải quyết vụ
án”.
Về
nguyên tắc, khi nộp đơn khởi kiện thì người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu,
chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trường hợp
người khởi kiện không nộp kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh
thì phải có văn bản tường trình, giải thích lý do không có tài liệu, chứng cứ để
nộp cho Tòa án hoặc không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ và yêu cầu Tòa
án thu thập tài liệu, chứng cứ. Trường hợp lý do việc không nộp được tài liệu,
chứng cứ là chính đáng thì Tòa án tiến hành thụ lý vụ án và thực hiện việc thu
thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015.
6. Trường hợp đương sự ở nước ngoài ủy quyền cho
người khác đại diện tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì người đó có được
đại diện cho đương sự ở nước ngoài kháng cáo không? Trường hợp có người đại diện
theo ủy quyền tham gia phiên tòa thì Tòa án có phải ủy thác tư pháp để tống đạt bản án cho đương sự ở nước ngoài không?
Khoản 3
Điều 272 BLTTDS năm 2015 quy định người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực
hành vi tố tụng dân sự nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người
khác đại diện cho mình kháng cáo. Theo quy định này, trường hợp đương sự ở nước
ngoài ủy quyền hợp pháp cho người đại diện
tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì người đại diện đó được quyền kháng
cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nếu trong văn bản ủy quyền
có nội dung ủy quyền cho người đại diện thực hiện việc kháng cáo.
Trường hợp có người đại
diện tại phiên tòa sơ thẩm thì theo quy định tại khoản 2 Điều 269, điểm e khoản
1 Điều 474 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho người đại
diện của đương sự ở nước ngoài đã tham gia phiên tòa mà không phải tống đạt bản án cho đương sự ở nước ngoài.
7. Khoản 3 Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường
hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp”. Vậy đương sự vắng
mặt lần đầu hay phải triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án mới
tiến hành phiên họp?
Theo quy
định tại khoản 3 Điều 194 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 05 ngày làm việc,
kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu
nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham
gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
Đây là
việc Tòa án phải giải quyết nhanh chóng, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ
ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại,
kiến nghị. Do vậy, đối với trường hợp này nếu đương sự được triệu tập hợp lệ mà
vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến
nghị.
8. Trường hợp vụ án dân sự được giao cho Tòa án nhân
dân cấp huyện giải quyết lại (do bản án, quyết định trước đó bị hủy theo thủ tục
phúc thẩm, giám
đốc thẩm, tái thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm). Tại thời điểm thụ lý lại vụ án mới có
đương sự ở nước ngoài thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân
cấp tỉnh hay Tòa án nhân dân cấp huyện?
Theo quy
định tại khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37 của BLTTDS năm 2015, vụ án mà
có đương sự hoặc tài sản ở nước
ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc Tòa án nhân dân cấp
tỉnh. Như vậy, nếu tại thời điểm thụ lý lại vụ án mà có đương sự ở nước ngoài
thì về nguyên tắc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của
Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp trong bản án, quyết định
phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đã giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện thụ
lý, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải
thụ lý, giải quyết.
9. Từ ngày 01-01-2017, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện
đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng
thuê quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất được thực hiện
như thế nào?
Theo quy
định tại Điều 184 và Điều 185 BLTTDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu
yêu cầu được thực hiện theo quy định của BLDS.
Điều 429
BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết
tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Khoản 3
Điều 155 BLDS năm 2015 quy định “Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định
của Luật đất đai” thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Như vậy,
đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp
đồng thuê quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất thì áp dụng
thời hiệu theo quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015. Đối với tranh chấp về quyền
sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) thì theo quy định tại
khoản 3 Điều 155 BLDS năm 2015 không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Ví dụ:
Tranh chấp về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ
phát sinh từ hợp đồng thuê quyền sử dụng đất thì áp dụng thời hiệu khởi kiện
theo quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015; tranh chấp về đòi lại quyền sử dụng đất
cho thuê thì không áp dụng thời hiệu.
10. Ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
và chia tài sản chung với bà B. Tại thời điểm
đăng ký kết hôn, ông A chưa đủ tuổi kết hôn; tại thời điểm xin ly hôn thì ông A
đã đủ tuổi đăng
ký kết hôn. Bà B yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Vậy trong trường hợp này Tòa án thụ lý giải
quyết việc dân sự hay thụ lý vụ án dân sự?
Trường hợp
có đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và chia tài sản khi ly
hôn, có đương sự yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án thụ lý vụ án ly
hôn, vì khi thụ lý thì Tòa án chưa thể khẳng định yêu cầu hủy kết hôn trái pháp
luật có căn cứ hay không. Trong quá trình giải quyết, nếu có đủ cơ sở hủy việc
kết hôn trái pháp luật thì Tòa án căn cứ khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 xác định
lại quan hệ pháp luật có tranh chấp là tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi
hủy kết hôn trái pháp luật để hủy kết hôn trái pháp luật và giải quyết tranh chấp
về nuôi con, chia tài sản.
Trường hợp trong quá
trình giải quyết, nếu hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8
của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn
nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó; quan hệ hôn nhân được xác lập từ
thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn, quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật hôn
nhân và gia đình năm 2014; trường hợp này, Tòa án giải quyết vụ án ly hôn,
tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân
và gia đình.
Trên đây
là giải đáp một số vướng mắc về Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật
dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua
để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình triển khai thi hành và thụ
lý, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền. Quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc thì đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao để có hướng dẫn
kịp thời.
Nơi nhận: - Như kính gửi; - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Ban Nội chính Trung ương; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Bộ Tư pháp; - Bộ Công an; - Các đồng chí PCA TANDTC; - Các Thẩm phán TANDTC; - Lưu: VP, Vụ PC và QLKH. |
CHÁNH ÁN
Nguyễn Hòa Bình |