CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
|
Số:
01/2016/NQ-HĐTP
|
Hà Nội, ngày
30 tháng 6 năm 2016
|
NGHỊ
QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 ĐIỀU 7 BỘ LUẬT
HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13
HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân số
62/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định
tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về việc áp dụng hình
phạt đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt
tử hình
1. Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 (ngày công bố
Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13), khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm
không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội cướp tài sản (Điều 133), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực
phẩm (Điều 157), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 194), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều
194), tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), tội chống mệnh lệnh (Điều 316)
và tội đầu hàng địch (Điều 322) Bộ luật hình sự số
15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12).
Trường hợp khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc
thẩm, nếu xét thấy hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng và theo quy định của
Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số
37/2009/QH12) phải xử phạt người phạm tội với mức hình phạt cao nhất là tử hình
thì không xử phạt tử hình mà xử phạt người phạm tội hình phạt tù chung thân.
2. Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên trước
ngày 09 tháng 12 năm 2015 đối với người phạm tội mà Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13 đã bỏ hình phạt tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng
chưa thi hành án tử hình thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm báo cáo ngay
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định
chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Điều 2. Về việc chuyển hình phạt tử hình thành tù
chung thân đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ
các Điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13
1. Kể
từ ngày 09 tháng 12 năm 2015, người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản,
tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử
hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển
thành tù chung thân:
a) Sau khi bị kết án, người bị kết án tử
hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba
phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng
trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm;
b) Sau khi bị kết án, người bị kết án tử
hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba
phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.
2. “Chủ
động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị
kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động
nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ hoặc người bị kết án đã
tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác
khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần
tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.
3. “Hợp
tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm”
là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người
bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc
phát hiện, Điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án
(như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi
được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ
trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị
kết án...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp
khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, Điều
tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất
áp dụng.
4. “Lập
công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối
lộ, người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, Điều
tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án; cứu được người
khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng
trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc
sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn
được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu
trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải
được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
5. Đối
với người bị kết án tử hình thuộc trường hợp hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b Khoản
1 Điều này, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm chủ trì, phối hợp với Cơ quan
Công an, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, báo cáo
ngay Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra
quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Điều 3. Về việc không xử lý hình sự đối với người
thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung
theo Luật số 37/2009/QH12) quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13 không quy định là tội phạm
1. Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015, không xử lý
hình sự đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản
2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và những trường hợp sau đây:
a) Người thực
hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật
số 37/2009/QH12) là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi
các yếu tố cấu thành tội phạm đó.
Ví dụ 1: Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng
trữ trái phép chất ma túy, chưa bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội tàng trữ trái phép
chất ma túy nhưng đã được xóa
án tích mà có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng hoặc
thể tích dưới mức quy định tại một trong các Điểm từ Điểm b
đến Điểm i Khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì không
phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Ví dụ 2: Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã
được xóa án tích mà có
hành vi đánh bạc trái phép dưới
bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng
thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
b) Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội
trừ các tội danh quy định tại Khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13.
2. Đối với các trường
hợp hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu vụ án đang trong giai
đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều
25 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số
37/2009/QH12) miễn trách nhiệm hình sự đối với người
phạm tội; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm
đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp
người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án thì được
miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Những người đã chấp
hành xong hình phạt, được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc hình phạt còn lại
thì đương nhiên được xóa án tích.
Điều 4. Về việc xử lý hình sự
đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Kể từ ngày 09 tháng
12 năm 2015 đến ngày Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, chỉ
áp dụng quy định của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12) để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16
tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ
luật hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung theo Luật số
37/2009/QH12) và Khoản 2 Điều 12 Bộ
luật hình sự số 100/2015/QH13.
2. Kể từ ngày Bộ luật
hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, chỉ xử lý hình sự đối với người
từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm quy định tại Khoản 2
Điều 12 và Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Điều 5. Về việc đình chỉ vụ
án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết
số 109/2015/QH13
Kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015, việc đình chỉ vụ
án đối với các trường hợp quy định tại Điểm
d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc
thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm được thực hiện như sau:
1. Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại
hồ sơ để Điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Tòa án cấp
sơ thẩm xét thấy thuộc trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 thì Tòa án áp dụng Điểm b
Khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật
tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13)
ra quyết định trả hồ sơ để Điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát.
2. Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc
Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, thì Thẩm
phán được phân công làm Chủ toạ phiên tòa áp dụng Điểm d hoặc
Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Điểm c
Khoản 2 Điều 176, Điều 180 và Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11
(kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì
áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 277, Điều 282 và Điều 285 Bộ luật tố
tụng hình sự số 101/2015/QH13) ra quyết định đình chỉ vụ án.
3. Trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết
định truy tố thì Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa (nếu trong thời
hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên tòa sơ thẩm) áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13,
Khoản 2 Điều 107 và Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự số
19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực
thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157 và Điều 282 Bộ luật tố tụng
hình sự số 101/2015/QH13) ra quyết định đình chỉ vụ án.
4. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử
phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa và Hội đồng xét xử áp dụng
Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13,
Khoản 2 Điều 107 và Điều 251 Bộ luật tố tụng hình sự số
19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực
thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157 và Điều 359 Bộ luật tố tụng
hình sự số 101/2015/QH13) quyết định huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không
có tội và đình chỉ vụ án.
5. Trường hợp đã có kháng nghị theo thủ tục giám
đốc thẩm hoặc tái thẩm và vụ án đang trong giai đoạn xét xử giám đốc thẩm hoặc
xét xử tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm áp dụng Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Khoản 2 Điều 107 và Điều 286 hoặc Khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng
hình sự số 19/2003/QH11 (kể từ ngày Bộ luật tố tụng hình sự số
101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành thì áp dụng Khoản 2 Điều 157
và Điều 392 hoặc Khoản 3 Điều 402 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13)
quyết định huỷ bản án đã có hiệu lực pháp luật, tuyên bị cáo không có tội và
đình chỉ vụ án.
6. Việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 2 Điều
1 Nghị quyết số 109/2015/QH13
là đình chỉ về trách nhiệm hình sự. Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc
trong bản án lý do của việc đình chỉ là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được đình chỉ không
có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước. Tòa án phải chuyển quyết định hoặc bản án kèm theo hồ sơ vụ
vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật xử
lý vi phạm hành chính.
Việc xét xử về các tội phạm khác đối với người
được đình chỉ, các bị cáo khác trong vụ án (nếu có) được giải quyết theo thủ tục
chung.
Điều 6. Về việc miễn chấp
hành hình phạt đối với các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết
số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm
b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này
Việc miễn chấp hành hình phạt đối với các trường
hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản
2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b
Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này được thực hiện như sau:
1. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương nơi người bị
kết án đang chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn
lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang
thi hành án treo.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương nơi người bị
kết án cư trú hoặc làm việc ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại
hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với trường hợp người bị kết án bị xử
phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành
hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt.
3. Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người
bị kết án chấp hành hình phạt ra quyết định:
a) Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với
trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ;
b) Miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú hoặc thời
hạn quản chế còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt
cấm cư trú hoặc quản chế.
4. Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người
bị kết án cư trú hoặc làm việc ra quyết định:
a) Miễn chấp hành thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ,
cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, miễn chấp hành thời hạn tước một số
quyền công dân còn lại đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình
phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một
số quyền công dân;
b) Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn
chấp hành toàn bộ hình phạt đối với trường hợp người bị kết án bị xử phạt bằng
các hình phạt khác đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn
chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt.
5. Khi xem xét, quyết định việc miễn chấp hành
hình phạt cần chú ý một số nội dung sau:
a) Chỉ miễn chấp hành hình phạt (hình phạt chính
và hình phạt bổ sung) đối với các trường hợp quy định tại Điểm
d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm
a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này; đối với các vấn đề khác, như: trách
nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, xử lý vật chứng, án phí hình sự,
án phí dân sự... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành;
b) Trường hợp một người bị kết án về nhiều tội
(trong cùng một bản án hoặc trong nhiều bản án) trong đó có tội mà Bộ luật hình
sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm (thuộc các trường hợp hướng dẫn
tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này) thì việc miễn chấp hành hình phạt đối với tội
này được thực hiện như sau:
Trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình
phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với tội mà Bộ luật hình sự số
100/2015/QH13 không quy định là tội phạm (thuộc các trường hợp hướng dẫn tại
Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này).
Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần
hình phạt chung hoặc đang chấp hành hình phạt mà thời gian đã chấp hành hình phạt
chưa vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không được miễn chấp
hành hình phạt, thì người bị kết án được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt đối với
tội mà Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 không quy định là tội phạm (thuộc các
trường hợp hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này).
Trường hợp người bị kết án đã chấp hành một phần
hình phạt chung hoặc đang chấp hành hình phạt mà thời gian đã chấp hành hình phạt
bằng hoặc vượt quá mức hình phạt mà Tòa án đã xử phạt đối với tội không được miễn
chấp hành hình phạt thì người bị kết án được miễn chấp hành phần hình phạt còn
lại.
c) Khi miễn chấp hành hình phạt, Tòa án
phải ghi rõ trong quyết định miễn chấp hành hình phạt lý do của việc miễn chấp
hành hình phạt là do chính sách hình
sự mới nhân đạo của Nhà nước, người được miễn chấp hành hình phạt không có quyền
yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước;
d)
Việc miễn chấp hành hình phạt theo hướng dẫn tại Điều này chỉ được
tiến hành đối với người bị kết án trước ngày 09 tháng 12 năm 2015. Đối với các
đối tượng thuộc các trường hợp quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản
2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Điểm a, Điểm b Khoản
1 Điều 3 Nghị quyết này mà bị kết án kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2015 thì không
thực hiện việc miễn chấp hành hình phạt đối với họ mà phải xét lại bản án, quyết
định đã có hiệu lực pháp luật đối với họ theo thủ tục giám đốc thẩm.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
các cấp; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển
khai, quán triệt Nghị quyết này trong cơ quan, đơn vị mình nhằm bảo đảm cho việc
thi hành đúng và thống nhất.
2. Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
các cấp chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án hình sự có
thẩm quyền rà soát, lập danh sách người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1
Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết
này để làm cơ sở xem xét, quyết định miễn chấp hành hình phạt.
3. Đối với các đối tượng được đình chỉ vụ án hoặc
miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết
này mà đang bị truy nã thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc miễn chấp
hành hình phạt, đồng thời gửi quyết định này cho cơ quan đã ra quyết định (lệnh)
truy nã biết để ra ngay quyết định đình nã nếu họ không bị truy nã về hành vi
phạm tội khác.
Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội; - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; - Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; - Ban Chỉ đạo CCTPTW; - Ban Nội chính Trung ương; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ (02 bản); - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Bộ Công an; - Bộ Tư pháp; - Các TAND và TAQS; - Các Thẩm phán TANDTC và các đơn vị thuộc TANDTC; - Lưu: VT, Vụ PC&QLKH. |
TM. HỘI ĐỒNG
THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN Nguyễn Hòa Bình |